Ý nghĩa câu chào hỏi đầu tiên của Giáo sư Snape

vào ngày

I can teach you how to bottle fame, brew glory, even stopper death—if you aren’t as big a bunch of dunderheads as I usually have to teach.

Nhắc đến Bậc thầy Độc dược, hẳn là không ai trong chúng ta có thể quên được bài “diễn thuyết” vô cùng ấn tượng mà thầy Snape nói với đám học trò trong buổi học đầu tiên:

“Chúng bây tới đây để học một bộ môn khoa học tinh tế và một nghệ thuật chính xác là chế tạo độc dược”. Giọng thầy không to, thật ra chỉ to hơn tiếng thì thầm một chút, nhưng bọn trẻ lắng nghe không sót một lời. Thầy Snape có biệt tài như giáo sư McGonagall là không cần phải mất công mà vẫn giữ được lớp học im lặng như tờ.

“Vì trong lãnh vực này không cần phải vung vẩy đũa phép nhiều cho lắm, nên thường chúng bây không tin rằng đây cũng là một loại hình pháp thuật. Ta không trông mong gì chúng bây thực sự hiểu được cái đẹp của những cái vạc sủi tăm nhè nhẹ, toả làng hương thoang thoảng; cũng chẳng mong gì chúng bây hiểu được cái sức mạnh tinh vi của những chất lỏng lan trong mạch máu người, làm mê hoặc đầu óc người ta, làm các giác quan bị mắc bẫy… Nhưng ta có thể dạy cho chúng bây cách đóng chai danh vọng, chế biến vinh quang, thậm chí cầm chân thần chết – nếu chúng bây không phải là một lũ đầu đất mà lâu nay ta vẫn phải dạy.”

Nghe thì hay đấy, nhưng có ai trong chúng ta băn khoăn về việc liệu giáo sư Snape dùng cách gì để mà “đóng chai danh vọng, chế biến vinh quang, thậm chí “cầm chân thần chết” hay không? Sau khi lần lượt xem qua bản gốc tiếng Anh cũng như bản dịch của vài nước khác thì tớ phát hiện một chi tiết rất thú vị: Đó là đoạn này mỗi người có một cách hiểu khác nhau, mà cách hiểu nào cũng có cái hay riêng của nó.
Đầu tiên chúng ta cần xét đến bản gốc tiếng Anh:

You are here to learn the subtle science and exact art of potion-making,” he began. He spoke in barely more than a whisper, but they caught every word—like Professor McGonagall, Snape had the gift of keeping a class silent without effort. “As there is little foolish wand-waving here, many of you will hardly believe this is magic. I don’t expect you will really understand the beauty of the softly simmering cauldron with its shimmering fumes, the delicate power of liquids that creep through human veins, bewitching the mind, ensnaring the senses… I can teach you how to bottle fame, brew glory, even stopper death—if you aren’t as big a bunch of dunderheads as I usually have to teach.

Tại đây, cụm “bottle fame, brew glory, even stopper death” (hoặc trong một số phiên bản sẽ là “bottle fame, brew glory, even put a stopper in death”) được đặt ở gần cuối bài, diễn tả một loạt các hành động thường diễn ra trong môn Độc dược (bottle, brew, stopper). Hai ý đầu thì hẳn là dễ hiểu rồi, chỉ có đoạn “stopper death” là dễ gây nhầm lẫn: bởi lẽ stopper là động từ miêu tả việc dùng một cái nút chai để chặn lại, khác với stop có nghĩa là dừng thứ gì/việc gì đó lại.

Chính vì cách dùng từ này đã dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Cách đầu tiên bộ môn Độc dược là có thể thực sự dạy các bạn cách “đóng nút” để chứa đựng cái chết trong tầm tay. Làm thế nào để làm được việc này? Nếu bạn để ý một chút, ngay đoạn sau Snape có nhắc đến một thứ thuốc ngủ cực mạnh được biết đến dười tên: cơn đau của cái chết đang sống (Draught of Living Death). Như vậy tức là, bằng việc pha chế loại thuốc ngủ này (hoặc cũng có thể là một loại chất kịch độc nào khác) rồi cất trữ nó vào bình đựng, chúng ta quả thực là đã có thể “nút chặn” cái chết rồi, đúng không nào?

Cách hiểu thứ hai là hiểu theo nghĩa bóng, “nút chặn cái chết” tức là có thể ngăn chặn Tử thần, bảo toàn sinh mạng. Để làm được việc này, đơn giản là vị giáo sư Độc dược chỉ cần tìm ra thuốc giải độc, pha chế nó rồi đóng vào trong chai, vậy là đã có thể “đóng chai danh vọng, chế biến vinh quang, thậm chí cầm chân thần chết” được rồi. Hoặc là, như chúng ta đã biết, bezoar – một loại sỏi nghiền lấy từ bao tử con dê có thẻ giải hầu hết các chất độc. Khi mà bạn ấn viên sỏi dê này vào trong miệng nạn nhân đang cận kề cửa tử, đó chính là hành động “put a stopper in death” rồi đó.

Ngoài ra, nếu như bạn thích tổ lái, múa lụa như tớ thì có thể hiểu theo cách thứ ba: đó là khi Snape (ở timeline khác trong The Cursed Child) biết được rằng mình bị Voldemort kết liễu đã bình luận rằng thôi thì bị chính tay Chúa tể Hắc ám xử tử thì cũng coi như có chút vinh quang. Với cách hiểu về danh vọng và vinh quang như thế, ta có thể liên tưởng đến cụm “cầm chân tử thần” là ám chỉ việc ngăn chặn các Tử thần Thực tử, giành lấy vinh quang khi đánh lừa được Chúa tể Hắc ám.

Sau khi đi hỏi loanh quanh thì tớ được biết, các bản tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp đã được chuyển ngữ với cách hiểu khá gần nguyên tác khi lần lượt dùng các từ “закупорить”, “verkorkt” và “enfermer” (nghĩa là nút chặn chai), trong khi đó bản tiếng Trung thì lại nghiêng về cách hiểu số hai khi dùng “阻止死亡” (cản trở tử vong). Mỗi cách hiểu trên đều có những nét hay riêng, và cá nhân tớ cho rằng việc chuyển ngữ của bản dịch tiếng Việt đã khá thành công, khi mà “cầm chân thần chết” là một cách dịch rất gợi mở và văn chương. Ý kiến của bạn thì sao?

Bài viết của K.
Tranh minh họa của Marina Michkina