Mặc dù đã đọc cả bộ Harry Potter không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn luôn ở một mức nào đó xem Fred và George như hai mặt của một nhân vật duy nhất. Mỗi khi nhìn thấy cụm từ “Fred và George,” đầu tôi tự động phiên dịch thành chàng “FredvàGeorge;” còn khi chỉ nhìn thấy một trong hai cái tên này, tôi sẽ coi đó là anh bạn “FredhoặcGeorge,” chứ chẳng bao giờ để ý thấy bất kỳ sự khác nhau nào giữa bọn họ.
Mà tôi cũng chẳng phải là người duy nhất cảm thấy như thế. Ngay cả mẹ của họ, khi bà gặp Ông Kẹ và thấy các thành viên trong gia đình mình chết từng người một, hai đứa sinh đôi cũng tử nạn cùng nhau. Đến Harry còn được Ông Kẹ hiện hình nguyên con một mình một cõi, vậy mà Fred và George lại xuất hiện kiểu combo hai-trong-một.
Quan điểm này thậm chí còn đúng cả với chính J.K. Rowling. Sau rốt thì, khi Fred qua đời, trong các phỏng vấn cô còn nói rằng cô nghĩ George sẽ kết hôn với Angelina Johnson –– cô gái mà Fred đã cặp ở Dạ vũ Giáng sinh. Cặp sinh đôi có thể thay thế cho nhau hoàn hảo tới mức đó sao?
Thực ra thì, nghiên cứu kỹ hơn lại cho thấy một thực tế khá bất ngờ.
Hãy thử xem xét những thống kê dưới đây (tôi thừa nhận là không phải tuyệt đối khoa học nhé) mà tôi đã tổng kết qua các tập sách:
– Khi cặp sinh đôi nói đùa, Fred là người khơi mào khoảng 75% số lần.
– Khi cặp sinh đôi bày trò hành động (chẳng hạn như mua Bia Bơ cho ĐQD, cá cược với ông Bagman, hay mặc cả với Mundungus Fletcher), cỡ 85% là Fred mở màn.
– Khi cặp đôi bán sản phẩm của tiệm Phù Thỉ Wỉ Wái, có vẻ như Fred luôn là người trực tiếp “giao dịch” với đám đông.
Tất nhiên, những con số này có thể dễ dàng được lý giải với lý do Fred là người đầu tiên trong hai anh em xuất hiện trong tâm trí Rowling khi cô viết về họ — dù sao thì trong hàng trăm lần được nói tới, chưa bao giờ họ được gọi là “George và Fred” cả. Phải chăng đơn giản là Rowling cũng luôn nghĩ về cặp sinh đôi theo thứ tự đó, vì thế Fred lúc nào cũng đi đầu?
Có lẽ bạn cũng đoán ra rồi đó, sự thực không phải vậy đâu.
Tất nhiên lần đầu Harry gặp Fred và George là ở Nhà ga Ngã Tư Vua, khi cậu chạm mặt gia đình Weasley đang chuẩn bị vào sân ga 9¾. Nhưng người đầu tiên trong cặp sinh đôi mà cậu nói chuyện, trên thực tế, lại không phải người anh:
“Cần giúp một tay không?” Thì ra là một trong hai anh em sinh đôi tóc đỏ mà Harry đi theo từ ngoài quầy bán vé.
“Ôi! Làm ơn,” Harry hổn hển.
“Ê, Fred! Lại đây đỡ một tay coi!”
Nhờ hai anh em sinh đôi giúp, cuối cùng Harry cũng đưa được cái rương vô một góc toa tàu. (PS, Ch.6)
Đây quả là một lần hiếm hoi mà cặp sinh đôi không làm gì liên quan tới một trò đùa nào đó! Nhưng tương tự như cái cách Fred tự giới thiệu bản thân (“Đùa tý thôi, con là Fred”) đã cho thấy phần nào cá tính người anh, sự xuất hiện của George ở đây cũng hé lộ chút đỉnh con người cậu em.
Một lần nữa phải khẳng định, hoàn toàn có thể Rowling viết ra những điều này chỉ là ngẫu nhiên; lần đầu chúng ta bắt gặp cặp sinh đôi, Fred đã mở lời trước, nên cũng hợp lý nếu lần thứ hai George lại xuất hiện trước, đúng không? Nếu chỉ xem xét tại một thời điểm cụ thể nào đó, rõ ràng suy đoán này là có cơ sở. Nhưng qua hàng ngàn trang sách, một khuôn mẫu đã được tạo ra mà tôi cho rằng khó có thể chỉ là trùng hợp. Vài con số thống kê nữa nhé:
– Khi một trong hai anh em sinh đôi nói đùa về ai đó trong gia đình, khả năng đó là Fred tới 85%.
– Nhưng khi một trong hai người thông cảm với ai đó trong gia đình hoặc giúp đỡ họ, thì 80% lại là George.
– Khi một trong hai anh em làm gì đó có phần quá giới hạn – như dụ đứa em trai của mình làm phép Thề Bất Khả Bội, hay cho một con kỳ nhông ăn pháo bông, hoặc nện cây gậy Tấn thủ vào Marcus Flint, thì đó hầu như luôn là Fred.
– Và trong khi Fred đem tới cho Harry tiếng cười hàng tá lần, nếu Harry cần một sự hỗ trợ hay không hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong số hai anh em George lại là người đứng ra giúp đỡ tới 72% số lần.
Bức tranh đã trở nên rõ ràng dần rồi đó. Giờ thì chúng ta cùng xem xét từng người một nào.
Fred Weasley: Người Cầm Lái
“Không liều làm sao mà vui?” – Fred Weasley (GF – ch.12)
Riêng việc cặp sinh đôi luôn được gọi là “Fred và George” mà không phải ngược lại cũng đã nói lên phần nào tính cách của Fred. Có lẽ ai cũng đoán được rằng Fred là đứa được sinh ra trước, và có vẻ như cậu cũng là người đi trước trong một cơ số việc khác. Fred là người đầu tiên nhảy qua Lằn Tuổi để tham dự kỳ thi Tam Pháp Thuật; cũng là thành viên đầu tiên của ĐQD bắt lấy tấm giấy da dê của Hermione mà ghi tên mình vào không chút do dự; và còn là người đầu tiên đứng lên xung phong tham gia trận chiến cuối cùng chống lại Voldemort. Trong mỗi lần đó, George đi sau cũng chẳng bao nhiêu, nhưng hiếm khi nào cậu lại đi trước cả Fred.
Khi cặp sinh đôi lái con Ford Anglia đến đón Harry ở Privet Drive, lẽ tất nhiên ngồi trước vô-lăng là Fred — và tôi cho rằng đây cũng là một phép ẩn dụ hợp lý cho vai trò của cậu ấy trong hai anh em sinh đôi. Hầu như cậu luôn là người cắm đầu lao về phía trước, và mặc dù George cũng thường nhảy tới sóng đôi bên cạnh, đôi khi cậu phải hãm Fred lại một chút, ví dụ như lần bảo Fred trong vụ Ludo Bagman là họ “phải cẩn thận,” và cảnh báo khi họ “có thể vướng vào rắc rối nghiêm trọng vì trò này.”
Fred còn có một sự bốc đồng mà đôi khi vì vậy lại gây ra rắc rối — trên thực tế, ở điểm này cậu cũng khá giống Harry và Ron:
“Xài bột Floo thì nhanh hơn nhiều cưng à, nhưng mà quỷ thần ơi, nếu trước đây con chưa từng xài nó…”
Fred nói:
“Nó sẽ làm được thôi, má à. Harry, nhìn tụi này làm trước nghe.” (CS – ch.4)
Và bạn hẳn còn nhớ Harry đã không “làm được” chính xác theo cái nghĩa mà Fred nghĩ.
Qua những câu chuyện của Ron, chúng ta cũng biết rằng tính bốc đồng của Fred chẳng phải gần đây mới có. Lớn lên cùng nhau, Fred là người đã biến đồ chơi của Ron thành con nhền nhện, tặng cậu nhóc một chiếc Kẹo mút A-xít làm lưỡi cậu phổng thủng một lỗ, dụ cậu làm phép Thề Bất Khả Bội, rồi còn doạ cậu rằng còn có cả màn đấu vật với Quỷ Khổng Lồ trong Lễ Phân Loại. George vắng mặt một cách đáng ngờ trong những câu chuyện như thế. Sau này thì Fred vẫn là đứa cầm trịch hầu hết các trò đùa — dù mục tiêu ưu tiên số một của cậu có vẻ đã thay đổi. Giờ thì Percy mới là người cần cảnh giác để không bị thằng sinh đôi lớn nhốt trong cái Kim Tự Tháp hay sửa cái phù hiệu của cậu thành “Pinhead.”
Đương nhiên, con người Fred còn nhiều điều đáng nói hơn chỉ là tay ưa bỡn cợt ít nghiêm túc. Điển hình như việc cậu ấy rất quan tâm đến Harry, xem Harry là chiến hữu tốt — những chi tiết cho thấy điều này, như cái nháy mắt với Harry khi cậu chuẩn bị rời phòng sinh hoạt chung để đến buổi Dạ Vũ, rải khắp các chương sách.
Nhưng, có lẽ cũng phần nào bắt nguồn từ tính bốc đồng, Fred cũng thường xuyên là đứa trong cặp sinh đôi cảm thấy hoang mang nếu điều gì đó thảm khốc thật sự xảy ra:
“Harry! Em thấy sao rồi?” Đó là tiếng reo của Fred, anh chàng có vẻ cực kỳ trắng xác dưới lớp sình đen.
“Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Nó bật ngồi dậy đột ngột đến nỗi mọi người há hốc mồm ra. Fred nói:
“Em té xuống từ… để coi… Cái gì? Từ độ cao mười sáu thước?”
…
Harry gục mặt vào đầu gối của nó, hai bàn tay nó ghị chặt mớ tóc rối. Fred ôm vai nó lay một cách thô bạo:“Không sao đâu, Harry, trước đây em chưa bao giờ bỏ lỡ một trái banh Snitch nào mà.” (PA – ch.9)
Tương tự, khi Ron bị đánh thuốc, Fred cũng là thằng anh lo lắng ra mặt nhất ‒ và khi Ron nhiều khả năng không bắt gôn được trong một trận Quidditch, Fred nhận thấy nói gì với Ron cũng có thể đẩy tình trạng trở nên tệ hơn, như kiểu cậu “không có tâm trạng.”
Thế nên, việc Harry rất thích thú trước những trò của Fred không hoàn toàn bởi cái sự phá phách, vô lối, và hoa mỹ quá đà mà Fred hay thể hiện. Cậu ấy thật sự là một người anh em tốt, hết mình và chu đáo. Thật sự, tôi cho rằng Fred có nhiều điểm chung với Harry ‒ lẫn Ron ‒ hơn cả chính họ có thể nhận ra.
Mặc dù vậy, Fred xuất hiện để đem vui nhộn đến là chính.
“Bồ chắc chắn là bồ không nằm mơ chứ hả, Ron?”
“Mình nói với mấy bồ là mình đã thấy hắn mà.”
“Chuyện gì mà ồn ào vậy?”
“Giáo sư McGonagall đã bảo chúng ta đi ngủ rồi mà!”
Vài nữ sinh đã đi xuống cầu thang, mặc áo ngủ và ngáp. Tụi con trai cũng lại xuất hiện. Fred hớn hở hỏi:
“Hay lắm! Tụi mình lại chơi tiếp nha!” (PA – ch.13)
—
Cụ Dumbledore tằng hắng. “Tôi rất vui mừng được cho các trò hay rằng cuộc thi đấu Tam Pháp thuật sẽ được diễn ra tại Hogwarts trong năm nay.”
“THầy GIỠN, thầy!” Fred Weasley nói to. (GF – ch.12)
—
Ngực phập phồng cảm xúc, Wood quay qua Harry:
“Harry, kết cuộc sẽ tùy thuộc vào em, em sẽ phải chứng tỏ cho chúng nó thấy là một Tầm thủ cần có những tài năng khác, chứ không phải chỉ có một ông bố giàu sụ là được. Hãy bắt cho được trái Snitch trước khi Malfoy làm được điều đó, có chết cũng phải cố gắng, Harry à, bởi vì hôm nay chúng ta phải chiến thắng, chúng ta phải thắng.”
Fred nháy mắt với Harry:
“Đừng lo quá Harry à!” (CS – ch.10)
—
Anh Percy nói như phô trương đức tính cần mẫn của mình:
“Anh thì chẳng mong vậy. Nghĩ tới tình trạng cái hộp thư sau năm ngày anh vắng mặt mà phát rùng mình.”
Fred nói:
“Ừ, dám lại có người nào đó lại liệng cứt rồng vô nữa hén, anh Percy?”
Percy đỏ bừng mặt, nói:
“Đó là một mẫu phân bón xuất xứ từ Na Uy! Chuyện đó chẳng có mục đích nhằm vào ai cả!”
Fred rù rì với Harry khi tụi nó đứng lên rời khỏi bàn ăn:
“Có chứ. Chính tụi này liệng cục đó vô mà!” (GF – ch.5)
George Weasley: Người Chỉ Đường
Trong khi Fred ngồi sau bánh lái của chiếc Ford Anglia, George dĩ nhiên ngồi ghế bên cạnh, làm công việc chỉ đường. Và cũng như với Fred, hình ảnh ẩn dụ này cũng miêu tả khá đúng vai trò của George. George chắc hẳn là người cẩn trọng hơn trong cả hai, và là ‘bộ não’ của cặp song sinh — dù sao, George cũng là người kiềm chế Fred khi họ bàn về Ludo Bagman, và khi Hermione hỏi họ có bao giờ nghĩ đến việc gặp rắc rối, George đã rất nhanh nhẹn chỉ ra rằng “dĩ nhiên là có… Bọn anh chưa bao giờ bị đuổi học, đúng không?”
Và cũng như cách mà Fred giống Harry và Ron, tôi nghĩ George hơi giống kiểu Hermione. Tôi đã từng đề cập ở nhiều nơi rằng rất may phước cho Harry và Ron có một người bạn như Hermione, vì cô gái đã giúp hai đứa tránh những sự ngu không-đỡ-nổi (ví dụ như việc bay xe tới Hogwarts). Fred cũng may phước, theo đúng kiểu như vậy, khi có George cạnh bên – cái sự thật là cặp song sinh chưa bị đuổi học chắc hẳn phần nhiều là nhờ vào George.
Dĩ nhiên, chúng ta cần nhớ rằng người mà George kiềm cặp là Fred Weasley — nghĩa là George chẳng phải thánh nhân. Cậu ấy vẫn là một tên sinh đôi nhà Weasley, và luôn tòng phạm trong hầu hết những trò Fred bày ra. George hoàn toàn chẳng hiền lành gì, dù chỉ bày đầu 25% các trò quậy, cậu vẫn kề vai sát cánh với Fred trong 75% còn lại. Và thiệt tình mà nói, sở hữu ¼ số trò đùa của cặp sinh đôi này đã là một con số khá bự so với người thường.
Điều mà tôi nghĩ George khác với Fred là ở sự thấu đáo. Ví dụ, hãy nhìn vào phản ứng khác nhau của hai anh em sinh đôi về việc học sinh được yêu cầu phải mua toàn bộ sách của Lockhart:
Fred đọc xong danh mục của nó rồi, bèn dòm vô danh mục sách của Harry.
“Em cũng bị biểu mua tất cả sách của Lockhart kìa! Giáo sư mới của môn Phòng chống Nghệ thuật Hắc ám ắt là người mê Lockhart… Dám cá đó là một mụ phù thủy.”
Nói tới đó, Fred bắt gặp ánh mắt má nó, nó lập tức cúi xuống cái dĩa của mình và cặm cụi ăn món mứt.
George nhìn thoáng cha mẹ rồi nói:
“Mua nhiều sách như vầy thì tốn bộn tiền. Sách của Lockhart mắc lắm…” (CS – ch.4)
George chính là đứa trong cặp sinh đôi nhận thấy ánh nhìn ngơ ngác của Harry rồi giải thích cho nó về mấy con ma lùm; cũng là đứa đứng lên khen ngợi Oliver sau khi Oliver vừa khen ngợi các thành viên các trong đội; cũng là đứa ban đầu từ chối ‒ và sau đó cảm ơn Harry ‒ về phần tiền thưởng Tam Pháp Thuật. Nói chung, George là đứa suy nghĩ và phát ngôn những điều đại loại như thế trước, rồi Fred mới hưởng ứng, như cái cách mà George sẽ vào hùa với Fred trong những trò nhí nhố vậy.
Không khó để nhận ra gia đình rất quan trọng đối với George, nhiều hơn là với Fred. Cậu ấy bảo Percy lại ngồi với anh em trong dịp Giáng Sinh bởi vì “Đây là thời gian cho gia đình mà”; cậu cảm thấy phấn khởi khi ba cậu đi làm về (“Ba về rồi!”); cậu dáo dác khi chưa thấy Ron và Bill trở về sau chuyến bay đụng độ với bọn Tử Thần Thực Tử. Và chắc hẳn đây cũng là nguyên nhân khiến George thấy buồn khi cậu và thằng anh song sinh bị gạt qua một bên.
Bà Weasley bật ra một tiếng ré y như tiếng ré của Hermione lúc nãy.
“Má không tin được! Má không tin nổi! Ôi, Ron, tuyệt vời làm sao! Một Huynh trưởng. Mọi người trong gia đình đều là Huynh trưởng.”
“Vậy còn Fred với con, là hàng xóm nhà kế bên à?”
George giận dỗi nói khi bà Weasley đẩy George qua một bên để có thể nhào tới ôm chầm thằng con trai út. (OP – ch.9)
Phải thừa nhận rằng những “khoảnh khắc của George” trong bộ truyện chẳng có là bao so với Fred; George dường như dành nhiều thời gian ở vị trí yểm trợ phía sau hơn (thật ra thì điều này cũng không nói lên điều gì). Nhưng cậu ấy là một người bạn tuyệt vời, luôn đem lại niềm vui cho ai chơi với mình – thật sự hoàn thiện mảnh ghép của cặp đôi nhà Weasley.
Bà Weasley đang giỡn bằng cách đội một cái nón phù thủy mới màu xanh đen lấp lánh bởi những thứ trông giống như những hạt kim cương hình ngôi sao nhỏ, và một cái vòng cổ bằng vàng rất đẹp.
“Fred và George tặng cho bác đó! Chúng đẹp không?”
“À … bọn con cho rằng bọn con còn trân trọng mẹ nhiều và nhiều hơn thế cơ, giờ bọn con giặt vớ của bọn con đây,” George nói. (HBP – ch.16)
—
Cả đội Gryffindor tụ tập lại, trong khi bọn Slytherin trên khán đài hè nhau la trộ. Wood hỏi:
“Có chuyện gì vậy? Chúng ta đang bị đè bẹp. Fred, George, hai đứa bây ở đâu khi trái Bludger cản phá Angeline làm bàn hả?”
George tức giận đáp:
“Tụi này lúc ấy đang ở trên cao cách bạn ấy gần bảy thước, và đang bận đánh trả trái Bludger kia để ngăn nó ám sát Harry. Có người đã ếm nó – Nó không chịu buông tha Harry. Suốt từ đầu trận đấu, nó không thèm rượt đuổi theo ai khác hết. Bọn Slytherin ắt là đã làm gì nó.”
—
Harry nói:
“Nếu chúng ta dừng trận đấu lúc này thì chúng ta thua thiệt! Mà chúng ta không thể để thua đội Slytherin chỉ vì một trái Bludger phát khùng! Anh Wood, anh hãy bảo các anh ấy cứ để một mình em xoay sở.”
George tức tối bảo Wood:
“Tất cả là lỗi của anh, anh Wood. “Có chết cũng phải cố gắng”, anh đã nói với thằng bé một điều hết sức ngu ngốc!” (CS – ch.10)
“Cứ ở đó, Verity, tôi đến đây,” George nói ngay lập tức. “Harry, cứ lấy bất cứ thứ gì em muốn nhé được không? Miễn phí hoàn toàn.”
“Em không làm thế được đâu!” Harry nói, nó đã rút túi tiền ra để trả cho mấy cái Ngòi Nổ Chăng Bẫy rồi.
“Em không phải trả tiền ở đây,” Fred nói chắc chắn, đẩy những đồng vàng của Harry ra.
“Nhưng mà…”
“Em cho bọn anh vay tiền để bắt đầu, các anh vẫn chưa quên đâu,” George nói nghiêm nghị. “Cứ lấy bất cứ thứ gì em muốn, và chỉ cần nhớ kể với mọi người về nơi em lấy chúng nếu như họ hỏi, nhé.” (HBP – ch.6)
Fred và George – hay George và Fred
Lẽ hiển nhiên, cô J.K. Rowling chẳng cố tình viết ra những chi tiết để cho mọi người chú ý những điểm khác nhau giữa hai anh em sinh đôi. Chỉ là tôi cho rằng hẳn cô ấy cũng vô thức hình thành trong đầu những riêng biệt khi viết nên họ, và chúng cứ thế xuất hiện trong cả bộ sách.
Bất luận có nói thế nào, chung quy, sự giống nhau của Fred và George cũng sẽ lấn át hết sự khác nhau kia. Cả hai người họ đều vui tính và bất cần; cả hai đều quan tâm sâu sắc đến Harry cũng như gia đình mình. Và như thế, những đoạn hội thoại mà tôi sử dụng để chỉ ra điểm khác biệt giữa họ đều phải soi kỹ lắm mới thấy, vì rất nhiều những đoạn khác có thể lật lại lập luận của tôi. Nhưng ý kiến này của tôi bắt nguồn từ khi tôi phân tích xem mỗi người trong cặp song sinh bọn họ có thiên hướng tương tác với xã hội như nào — và tôi thật sự cho rằng, tính cách cặp đôi này rẽ sang hai hướng độc lập.
Điều khiến tôi buồn nhất khi xây dựng luận điểm này là ý nghĩ George sẽ bị bỏ lại sau sự ra đi của Fred. Tất nhiên họ là cặp đôi không thể tách rời, nhưng điều quan trọng hơn hết là, hình ảnh cặp đôi họ phần nhiều là do Fred xây dựng, với sự hóm hỉnh và vui nhộn. Nhà văn Rowling cũng nói trong một bài phỏng vấn rằng George sẽ không bao giờ khôi phục sau cái chết của người anh, cũng dễ hiểu tại sao mà, đúng không? Sau cùng, nếu có điều gì George có thể tự làm tốt được, thì chính là chăm sóc cho gia đình mình — nhưng thiếu vắng sự bốc đồng cũng như óc hài hước của Fred, tiệm Phù Thỉ Wỉ Wái Weasley có lẽ sẽ không bao giờ được như xưa nữa.
Nguyên tác: Not Just Fredandgeorge – The Twins’ Differences
Tác giả: Josie Kearns
Dịch: El Niño và LL