Vòng quanh thế giới tên khai sinh của ngài Tom-Voldemort

vào ngày

Chắc không nhiều bạn biết, để các bạn nhỏ có thể dễ dàng cảm thụ cái trò đảo chữ (anagram) của Chúa tể Hắc ám, bản dịch tiếng Pháp đã tặng luôn cho ngài Tom một cái họ và tên đệm khác hẳn, đó là Tom Elvis Jedusor, để có thể đảo chữ thành “Je suis Voldemort” (“I am Voldemort” trong tiếng Pháp).

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu thôi, các bạn đã chuẩn bị tinh thần bước vào cái thế giới chuyển ngữ đầy hoan lạc (hay loạn lạc) chưa? Cùng xem nhé!

Phiên bản Hà Lan đặt cho anh cái tên Marten Asmodom Vilijn, để đảo chữ thành “Mijn naam is Voldemort“, nghĩa là “My name is Voldemort” (Tên ta là Voldemort).

Trong bản Hy Lạp, anh lại có tên là Anton Marvolo Hurt (Άντον Μαρβόλο Χέρτ), đảo chữ của “Άρχον Βόλντεμορτ“, nghĩa là “Chúa tể Voldemort”.

Còn đối với dân Thụy Điển, anh được khai sinh là Tom Gus Mervolo Dolder, đảo chữ thành “Ego sum Lord Voldemort“, (I am Lord Voldemort), thế nhưng cụm “ego sum” (“I am”) lại là tiếng Latin, không phải tiếng Thụy Điển, thật là nạc mỡ quá đi!

Bản Na Uy lại biến tấu tên anh là Tom Dredolo Venster, đảo chữ thành “Voldemort den Store”, nghĩa là “Voldemort the Great”. (Voldemort Vĩ Đại).

Tiếng Đan Mạch thì tự tin khoe cá tính bằng chiêu dùng chữ viết tắt để cố gắng chuyển ngữ tên anh, và, bùm, anh được gọi là Romeo G. Detlev Jr, đảo chữ của “Jeg er Voldemort” (“I am Voldemort”). (ôi vãi cả Romeo Juliette! ?)

Voldemort quốc tịch Hungary lại có tên là “Tom Rowle Denem“, khi đảo chữ lại sẽ là “Nevem Voldemort” (“My name is Voldemort”), với chữ w được tách thành hai chữ v. (Bên xứ họ chơi tách chữ vậy luôn ?)

Bạn thấy chưa? Cái nghề chơi đảo chữ của Voldemort cũng lắm công phu, và dịch giả các nước hẳn cũng khá lao tâm khổ tứ để truyền tải được dụng ý, bất chấp việc thay tên đổi họ xóa lý lịch của anh không mũi.

Phải mà bản dịch Việt Nam cũng bày đặt Việt hóa làm sao để xếp chữ thuần Việt có khi phải là… (tớ xin phép đề xuất)

TOM ĐẸB TRAI VỜ LỜ
đảo thành —> BỐ LÀ VOLDEMORT Í

(Phiên phiến chữ B bò P phở thôi, tớ đã cố gắng hết sức rồi các bạn ạ)

Mục đích của việc chuyển ngữ âu cũng chỉ xoay quanh làm sao cho độc giả nhí các nước có thể hiểu được cái món anagram ấy. Ngẫm đi ngẫm lại thì, việc giữ nguyên như bản dịch Việt Nam cũng là đáng khen rồi nhỉ các bạn?

À mà thật ra như Đô rê mon, Xuka, Xekô, Chaien thì cũng có khác gì?

Art của Avethy @ DeviantArt
Bài viết của Blien