Chơi chữ thú vị trong tên Hẻm Xéo và Hẻm Knockturn

vào ngày

Chủ đề được nói tới lần này là một tên gọi mà các fan Việt rất yêu thích cách Việt-hoá của cô Lan, nhưng đồng thời cũng là một trong những lối chơi chữ đa nghĩa hay nhất của cô Jo đã không được chuyển nghĩa hết — HẺM XÉO, và cùng với nó là HẺM KNOCKTURN.

Như nhiều bạn đã biết, trong bản gốc, Hẻm Xéo là Diagon Alley. Diagon là đường chéo, còn Alley là ngõ, hẻm. Vì vậy dịch Diagon Alley là Hẻm Xéo hoàn toàn không sai về nghĩa đen, nhưng đã vô tình khiến người đọc bỏ qua những nghĩa khác của nó.

Diagon Alley là một con hẻm nằm giữa London nhưng lại không Muggle nào biết. Nó giống như một đường chéo nối từ điểm này sang điểm kia mà không thông qua những đường vuông góc giữa các ngã tư đường phố (nghĩa Latin: diagonalis là từ góc này sang góc khác). Đồng thời trong tiếng Anh, Diagon Alley đọc gần giống hệt “Diagonally” – trạng từ xéo, tạo cho ta cảm giác được chạy xéo qua thế giới Muggle ở London ở một chiều không gian khác. Ý tưởng này được nhiều người cho rằng có liên quan tới cái Tesseract trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thiếu nhi ‘A Wrinkle in Time’ (tạm dịch: Nếp nhăn của Thời gian) của Madelaine L’Engle xuất bản năm 1962.

Ngoài ra, một cách hiểu kỳ diệu khác cho Diagon Alley là Diagonal Ley, trong đó Diagonal đã trở thành tính từ. Với Ley, chúng ta có khái niệm Ley Line và từ “Ley” là tiếng Anh cổ, chỉ những mạch đường phép thuật nối các mảnh đất với nhau, khá gần với “long mạch” trong phong thuỷ của người Trung Quốc. Theo cách hiểu này, cái tên “Diagon Alley” càng có ý nghĩa hơn nữa đối với tính chất thực của nó.

Bản dịch sang các ngôn ngữ khác có cùng gốc Latin cũng được đánh giá là chưa thể chuyển được đủ nghĩa, nhất là sự chơi chữ thông minh của cô Jo. Tuy nhiên, nhiều cách dịch sang ngôn ngữ khác đã cho thấy nỗ lực của dịch giả trong việc biến cái tên Hẻm Xéo thành cái gì đó có nhiều hơn một nghĩa. Ví dụ như trong tiếng Pháp, Hẻm Xéo đã được dịch thành Chemin de Traverse, nghĩa đen là “con phố chéo” nhưng cũng có nghĩa bóng là “đường tắt.”

Còn đối với Hẻm Knockturn, có lẽ vì riêng tên hẻm “Knockturn” đã có hai nghĩa, nên cô Lý Lan đã để nguyên không dịch. Về nghĩa đen, “Knock” là cú đánh hoặc cái gõ cửa, còn “Turn” là bước ngoặt. Hai từ này khi đứng cạnh nhau đã đủ mang cảm giác đen tối xã hội đen nào đó, giống như bước vào một ngã rẽ riêng khác hẳn với con đường trước đó (là Hẻm Xéo). Knock-Turn cũng có thể hiểu là gõ-cửa-rồi-vặn, như là gõ cửa và tự động xoay tay nắm mà bước vào, không cần trả lời, người đến mua tự biết mình sẽ vào đâu gặp ai và mua gì. Ngoài ra, “Knockturn” đọc giống hệt “Nocturn,” nghĩa là ban đêm, tối tăm – gợi cảm giác về một mặt trái của những con phố mua sắm thông thường. Lẽ tất nhiên, những ý nghĩa này hoàn toàn thích hợp với bản chất của Hẻm Knockturn mà các bạn đã biết.

Khi kết hợp với cách chơi chữ “Alley” tương tự như ở trên, Knockturn Alley cũng có thể trở thành Nocturnally (trạng từ) hay Nocturnal Ley.

Đối với Knockturn Alley, bản dịch tiếng Nhật đã nhận được nhiều khen ngợi. Họ đã sử dụng chữ Kanji cho cách dịch nghĩa đen và phiên âm thêm katakana cho cách đọc “Nokuta” ở trên chữ Kanji. Tuy nhiên Nhật làm được điều này vì rất nhiều người Nhật biết các từ mượn của tiếng Anh trong đó có Nocturn – Nokuta.

Nói tới Knockturn, những lần xuất bản đầu của NXB Trẻ đã dạy cách đọc sai là “Cờ-nốc-tơn”, điều này cũng là một sai sót trong biên tập sách.

— LL