Lịch sử Giải vô địch Quidditch Thế giới

vào ngày

Theo quyển The Official Guide to the Quidditch World Cup (tạm dịch: Những điều cần biết về Giải Quidditch Thế giới) – được biên soạn bởi Liên minh Quốc tế Uỷ ban Quidditch Phù thuỷ (International Confederation of Wizards Quidditch Committee – ICWQC) và được bày bán ở khắp những hiệu sách phù thuỷ danh tiếng trên thế giới ở mức giá 39 galleon mà nhiều người cho là quá đắt đỏ — thì kể từ năm 1473 Giải Quidditch Thế giới đã được tổ chức 4 năm một lần. Tuy nhiên, rất nhiều người đặt ra dấu hỏi về độ xác thực của mệnh đề trên, cũng như tính chính xác của nhiều vấn đề khác xoay quanh giải đấu quan trọng bậc nhất thế giới phù thuỷ này.

Do trong khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, chỉ có các đội đến từ Châu Âu là tham gia vào Giải Quidditch Thế giới, nên đối với nhiều người hâm mộ Quidditch, thì giải đấu này phải được khởi sinh vào thế kỷ 17 – khi Quidditch bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới. Ngoài ra, người ta còn tranh cãi rất nhiều về mức độ chính xác của các sự kiện Quidditch trong lịch sử. Phần lớn của toàn bộ các bài phân tích sau những trận đấu đều tập trung vào việc liệu pháp thuật có can thiệp vào và làm xáo trộn kết quả cuối cùng của những trận đấu này hay không.

IQCWC quả là không may mắn khi phải đặt ra điều lệ cho giải đấu lúc nào cũng đầy tranh cãi và hỗn loạn này. Điều lệ về việc sử dụng pháp thuật trong – và – ngoài sân thi đấu phải kéo dài tới 19 quyển và bao gồm những điều khoản như “không được đưa rồng vào sân thi đấu để phục vụ cho bất kỳ mục đích nào kể cả, và không chỉ là làm huấn luyện viên, làm linh vật hay làm vật hâm nóng nước cho các đội”, cũng như “hành vi làm biến đổi thân hình của trọng tài, dù là do hay không phải do sự yêu cầu của trọng tài đó, sẽ bị cấm thi đấu cả đời và thậm chí có thể bị bỏ tù”.

Là nguồn cơn của những bất hoà dai dẳng, một mối đe doạ an ninh đối với tất cả những người tham dự, cũng như nơi tập trung nhiều bất ổn và xung đột, Giải Quidditch Thế giới đồng thời vừa là một sự kiện thể thao được hân hoan chào đón, vừa là một cơn ác mộng dài kỳ đối với quốc gia đăng cai tổ chức.

Đạo luật bí mật

Một trong những thời điểm khó khăn đối với Giải Quidditch Thế giới là khi Đạo luật Bí mật được ban hành vào năm 1692 nhằm mục đích che giấu sự tồn tại của phù thuỷ và pháp sư với thế giới bên ngoài. Liên minh Pháp thuật Quốc tế (International Confederation of Wizards – ICW) đã coi Giải Quidditch Thế giới là ‘thỏi nam châm’ thu hút nhiều nguy cơ về mặt an ninh nhất do sự dịch chuyển đồng loạt và tụ họp đông đúc của vô vàn thành viên cộng đồng pháp thuật thế giới. Dù vậy, mặc cho sự phản đối và những mối đe doạ lớn tới Liên minh Pháp thuật Quốc tế, việc tổ chức Giải Quidditch Thế giới vẫn được chấp thuận và một phân ban trực thuộc – tức Uỷ ban Quidditch thuộc Liên minh Pháp thuật Quốc tế đã được thành lập nhằm tìm ra những địa điểm thích hợp như những vùng đồng hoang hẻo lánh, sa mạc hay hòn đảo hoang vu để tổ chức giải đấu, sắp xếp phương tiện di chuyển cho khán giả đến xem (thường phải đến hàng trăm ngàn người tới xem những trận chung kết), cũng như làm nhiệm vụ bảo an trong suốt thời điểm giải đấu diễn ra – một nhiệm vụ mà người ta cho là mỏi mệt và khó khăn nhất thế giới phù thuỷ.

Cách thức hoạt động của giải đấu

Số lượng quốc gia tham dự Giải Quidditch Quốc tế luôn có sự thay đổi qua từng mùa giải. Ở những quốc gia với không nhiều pháp sư/phù thuỷ, sẽ khó có thể xây dựng được một đội Quidditch theo đúng tiêu chuẩn, và ngoài ra những yếu tố khác như xung đột quốc tế hay thảm hoạ cũng có thể ảnh hưởng đến số đội dự giải. Tuy nhiên, bất cứ quốc gia nào cũng có thể cử ra một đội tham gia giải đấu trong vòng 12 tháng kể từ mùa giải trước đó.

Sau đó các đội sẽ được chia ra làm 16 bảng và lần lượt đấu với nhau trong suốt 2 năm cho đến khi còn lại 16 đội đứng đầu các bảng. Trong giai đoạn vòng bảng này, một trận đấu chỉ kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ để tránh làm người chơi kiệt sức. Chính vì vậy, không thể loại trừ chuyện quyết định thắng thua chỉ nhờ vào số bàn thắng được ghi thay vì dựa vào việc bắt Snitch. Mỗi đội thắng một trận vòng bảng sẽ được 2 điểm. Thắng cách biệt trên 150 điểm được thêm 5 điểm thưởng, trên 100 điểm là 3 điểm thưởng và trên 50 điểm là 1 điểm thưởng. Trong trường hợp hoà nhau thì Tầm thủ của đội nào bắt được Snitch nhiều nhất hay nhanh nhất khi thi đấu sẽ là đội thắng cuộc.

16 đội thắng vòng bảng sẽ được xếp loại dựa trên điểm số. Đội cao điểm nhất sẽ đấu với đội thấp điểm nhất, đội cao điểm nhì lại đấu với đội thấp điểm nhì, … Theo cách tính điểm, hai đội cao điểm nhất sẽ đấu với nhau ở vòng chung kết.

Trọng tài trong giải đấu sẽ do Uỷ ban Quidditch trực thuộc Liên minh Pháp thuật Quốc tế tuyển chọn.

NHỮNG GIẢI ĐẤU TAI TIẾNG

Chẳng mùa giải Quidditch Thế giới nào có kết cục êm thấm không tranh cãi, tuy nhiên có một vài mùa giải nổi bật hơn hẳn. Được nêu ra dưới đây là một vài trong số các mùa giải tai tiếng nhất:

Cuộc tấn công của khu rừng giết chóc

Trận chung kết kinh hoàng giữa hai đội đại diện cho Rumani và Tân Tây Ban Nha (tức Mexico ngày nay) được lưu danh sử sách với tên gọi “cuộc xả giận khủng khiếp nhất của một cầu thủ”. Đồng đội của Niko Nenad (Tấn thủ đội Rumani) đã cảm thấy lo lắng trước những cơn giận bùng nổ của anh ta trong suốt các trận đấu vòng tứ kết và bán kết đến mức cố gắng thuyết phục huấn luyện viên của đội thay thế anh ta bằng một Tấn thủ khác trong trận chung kết, nhưng đáng buồn thay, tay pháp sư già đầy tham vọng lại gạt đi kiến nghị đó. Sau trận chung kết đó, đồng đội Ivan Popa của Nenad (người được tặng thưởng Huân chương Phù thuỷ Merit vì những hành động cứu người trong trận đấu thảm hoạ kia) đã nói với một điều tra viên quốc tế: “Trong suốt những tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến cảnh Niko lấy chổi đập vào đầu và thiêu đốt bàn chân anh ta vì tức giận, và tôi đã phải ngăn anh ta nhảy vào bóp cổ hai vị trọng tài. Tuy nhiên, tôi không thể lường trước được anh ta sẽ làm gì nếu như lợi thế của trận chung kết không nghiêng về phía chúng tôi. Ý tôi là, ai mà ngờ nổi anh ta lại làm như vậy? Hoạ có điên như anh ta thì may ra”. Việc Nenad ếm bùa được cả một khu rừng từ khi nào và làm như thế nào vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, dù người ta cho rằng anh ta có một số người hâm mộ “du thủ du thực”, và sau này người ta chứng minh được anh ta đã bỏ ra một khoản tiền “hối lộ” đám Pháp sư Hắc ám. Sau hai giờ thi đấu, Rumani bị dẫn trước nhiều điểm và cả đội gần như kiệt sức. Chính ngay lúc đó, Nenad đã cố tình đánh văng quả Bludger về phía rừng cây bao quanh sân thi đấu. Hậu hoạ chết chóc ngay lập tức xảy ra. Toàn bộ rừng cây bỗng bừng sống dậy và vươn rễ ra khỏi mặt đất lao về phía sân đấu, san phẳng tất cả những gì ngáng đường chúng, gây ra vô số những thương vong. Trận chung kết Quidditch Thế giới bỗng dưng trở thành trận chiến Cây – Người, và phe phù thuỷ phải mất tới 7 giờ đồng hồ mới có thể dẹp yên. Nenad không bị đưa ra điều tra do anh ta đã bị một cây vân sam bạo lực giết chết từ đầu trận chiến.

Mùa giảI không một ai nhớ đến

Uỷ ban Quidditch trực thuộc Liên minh Pháp thuật Quốc tế luôn khẳng định rằng Giải Quidditch Thế giới đã được tổ chức 4 năm một lần kể từ năm 1473. Đây có thể được coi là một niềm tự hào, vì câu nói đó khẳng định rằng không một thứ gì – dù là chiến tranh, điều kiện thời tiết tréo ngoe khắc nghiệt hay sự cản trở của Muggle nào – có thể khiến cho giải đấu không được tổ chức. Tuy nhiên, lại có một bức màn bí ẩn bao trùm lên giải đấu năm 1877. Dĩ nhiên là người ta đã chuẩn bị cho mùa giải này một cách kỹ lưỡng: địa điểm đã được lựa chọn (là sa mạc Ryn ở Kazhahstan), các nguyên vật liệu được sản xuất một cách công khai, vé cũng được bán ra. Thế nhưng, vào tháng Tám năm ấy, cả thế giới phù thuỷ thức tỉnh với không một ký ức nào về mùa giải đó. Không một ai nhớ nổi dù chỉ một trận đấu, từ những người sở hữu tấm vé trong tay cho đến các cầu thủ thi đấu trong mùa giải. Và vì những lý do không ai giải thích nổi, mà Tấn thủ Lucas Bargeworthy của đội tuyển Anh bị rụng gần hết răng, Tầm thủ tuyển Canada Angelus Peel bị vặn ngược đầu gối ra sau, trong khi một nửa tuyển Argentina được tìm thấy trong tình trạng bị trói chặt tay chân ở tầng hầm của một quán bar tại Cardiff (một thành phố ở xứ Wales). Chính xác những gì đã xảy ra – hoặc không xảy ra trong mùa giải này — vẫn còn chưa được xác thực hoàn toàn. Vô vàn những giả thiết được đưa ra, từ việc một Bùa Thay đổi Trí nhớ trên diện rộng được ếm bởi Mặt trận Giải phóng Yêu tinh (đang hoạt động vô cùng sôi nổi trong thời điểm đó và thu hút một số lượng đáng kể những pháp sư không màng đến luật phù thuỷ) hay sự lây lan của virus Văng Miểng Não Bộ — một loại virus biến thể của căn bệnh Văng Miểng phổ biến trong giới phù thuỷ (loại virus Văng Miểng Não Bộ này có thể gây ra chứng bối rối nghiêm trọng cũng như chứng mất trí nhớ). Dù sao chăng nữa thì, người ta cũng cho rằng nên tái tổ chức giải đấu vào năm 1878, hơi lệch đi một chút so với mệnh đề “4 năm một lần kể từ 1473”.

Royston Idlewind và Vụ bê bối kèn cổ vũ tự động

Năm 1971, Uỷ ban Quidditch trực thuộc Liên minh Pháp thuật Quốc tế chính thức bổ nhiệm Chủ tịch mới – Royston Idlewind, một pháp sư người Úc. Dù nằm trong đội hình vô địch của Úc tại mùa giải Quidditch Thế giới năm 1966, Idlewind vẫn là một lựa chọn gây tranh cãi do cái nhìn hà khắc của ông ta đối với việc kiểm soát đám đông trong những trận đấu – một hậu quả hiển nhiên của việc phải hứng chịu quá nhiều bùa phép từ khi còn đang nắm giữ vai trò Truy thủ ngôi sao của đội tuyển Úc. Tuyên bố “đám đông là thứ duy nhất về Quidditch mà tôi không ưa” của ông ta hoàn toàn không khiến các fan cảm thấy hài lòng. Và thái độ của họ đã chuyển từ không hài lòng sang thẳng thừng chống đối khi ông ta đề ra hàng loạt những điều lệ hà khắc liên quan đến khán giả trong trận đấu, trong đó quá đáng nhất là lệnh cấm mang đũa phép vào bên trong sân đấu, ngoại trừ những cây đũa phép của quan chức Uỷ ban. Nhiều người đã đe doạ sẽ tẩy chay mùa giải Quidditch Thế giới 1974 nhằm phản đối những lệnh cấm này, tuy nhiên, những khán đài thưa thớt chính là tham vọng âm thầm của Idlewind, nên những lời đe doạ này hoàn toàn không hiệu quả.

Mùa giải Thế giới 1974 bắt đầu đúng như dự định, và, tuy lượng người đến xem trực tiếp các trận đấu đã giảm thiểu rõ rệt, thì sự xuất hiện của những chiếc Kèn cổ vũ tự động – một hình thức mới đầy sáng tạo của nhạc cụ, đã khiến cho những trận đấu trở nên sôi động hơn rất nhiều. Những vật dụng đa sắc màu với dạng hình ống này có thể phát ra những tiếng reo hò cổ vũ và cả những làn khói màu đại diện cho từng quốc gia. Giải đấu càng vào sâu thì sự xuất hiện của những chiếc Kèn cổ vũ cũng như của đám đông ngày càng nhiều. Đến khi trận chung kết giữa hai đội Syria – Madagascar chính thức diễn ra, thì những khán đài đã được một lượng khán giả đông kỷ lục lấp đầy, mỗi người lại cầm theo tay một cái Kèn cổ vũ. Và đúng vào lúc Idlewind xuất hiện ở khán đài dành riêng cho quan chức và viên chức cấp cao, hàng trăm ngàn Kèn cổ vũ đã phát ra những tiếng la ầm ĩ và biến thành những cây đũa phép đã được giấu kín ngay từ đầu. Xấu hổ vì kẽ hở to đùng trong chính điều lệ do bản thân đặt ra, Idlewind đã lập tức xin từ nhiệm. Và thế là những người cổ vũ cho đội Madagascar cũng có thể ăn mừng vì lý do nào trong suốt một đêm dài.

Sự tái xuất hiện của dấu hiệu Hắc ám

Có thể cho rằng trận chung kết Quidditch Thế giới giữa hai đội Ireland và Bulgaria tổ chức vào năm 1994 tại Dartmoor, nước Anh là trận chung kết tai tiếng nhất trong vài thế kỉ trở lại đây. Trong lúc giới phù thuỷ đang ăn mừng chiến thắng của đội Ireland, một đợt bạo loạn đã bất ngờ nổ ra, khi những kẻ theo phe Voldemort ồ ạt tấn công đồng loại và bắt giữ cũng như tra tấn dân Muggle địa phương. Lần đầu tiên trong suốt 14 năm, Dấu hiệu Hắc ám lại xuất hiện trên bầu trời, dấy lên báo động lan nhanh và khiến cho vô số người trong đám đông bị thương. ICWQC đã chỉ trích Bộ Pháp thuật nặng nề sau sự cố và cho rằng an ninh đã không được thắt chặt trong bối cảnh tồn tại xu hướng bạo lực của giới phù thuỷ thuần huyết tại Anh Quốc lúc bấy giờ. Royston Idlewind đã xuất hiện trong chốc lát kể từ khi bãi nhiệm chỉ để đưa một câu nói ngắn gọn của ông ta lên tờ Nhật báo Phù thuỷ: “Giờ thì lệnh cấm sử dụng đũa phép nghe chả có tí ngu ngốc nào nữa, hả?”.

Nguyên tác: History of the Quidditch World Cup — By J.K. Rowling
Chuyển ngữ: Zorba the fat cat
Tranh minh họa của Pottermore