Lịch sử Pháp thuật Bắc Mỹ

vào ngày

Phần 1
Thế kỷ 14 đến thế kỷ 17

Mặc dù được các nhà thám hiểm Âu châu gọi là “Tân Thế Giới” khi họ đặt chân đến, các pháp sư đã biết về châu Mỹ trước Muggle từ rất lâu (Ghi chú: mỗi quốc gia có thuật ngữ riêng để gọi “Muggle”, và cộng đồng châu Mỹ dùng thuật ngữ lóng là No-Maj, nói tắt từ “No Magic”). Nhiều phương tiện di chuyển bằng phép – bao gồm chổi bay và Độn thổ – chưa kể đến thị kiến và linh cảm, chứng minh rằng ngay cả những cộng đồng pháp thuật xa xôi cũng đã liên lạc với nhau từ thời Trung cổ.

Cộng đồng pháp thuật châu Mỹ bản địa cùng cộng đồng châu Âu và châu Phi đã biết về nhau từ rất lâu trước khi dân No-Maj châu Âu di cư sang vào thế kỷ thứ mười bảy. Họ cũng đã nhận biết nhiều điểm tương đồng giữa các cộng đồng. Có những dòng tộc “có phép thuật” rất rõ ràng, và phép thuật cũng hiện hữu bất ngờ trong những gia đình mà cho đến nay không có bất cứ ai là phù thủy hay pháp sư. Tỷ lệ tổng quan giữa pháp sư và người phi-pháp-thuật có vẻ nhất quán trong dân số, cũng như thái độ của dân No-Maj, dù cho họ có sinh ra ở đâu đi chăng nữa. Trong cộng đồng người Mỹ bản địa, môt vài pháp sư và phù thủy được công nhận và thậm chí được ca ngợi tại nơi họ sinh sống, rạng danh bằng nghề chữa bệnh như thầy thuốc, hay trở thành những thợ săn xuất chúng. Tuy nhiên, số khác thì bị kỳ thị do tín ngưỡng của người dân, thường dựa trên cơ sở rằng họ đã bị những linh hồn tà ác chiếm hữu.

Huyền thoại về những “kẻ biến hình” (skinwalker) ở châu Mỹ bản địa – một pháp sư hay phù thủy ác độc có khả năng biến thành động vật theo ý muốn – cũng có cơ sở thực tế. Một huyền thoại nổi lên xung quanh những Hóa Thú Sư người Mỹ bản địa rằng họ đã hiến tế những thành viên thân thiết trong gia đình để có được năng lực biến hình. Sự thật là, phần lớn Hóa Thú Sư dùng hình đạng động vật của mình để trốn khỏi những cuộc đàn áp hoặc để đi săn cho bộ lạc. Những tin đồn xúc phạm đó thường xuất phát từ những No-Maj lão làng, những tên đôi khi tự giả mạo khả năng pháp thuật, và sợ bị lộ tẩy.

Cộng đồng pháp thuật châu Mỹ bản địa đặc biệt được phú cho khả năng pháp thuật liên quan đến cỏ cây và động vật, những loại độc dược của riêng nơi này có một sự tinh vi cao hơn nhiều những gì ở châu Âu được biết đến. Khác biệt rõ ràng nhất giữa pháp thuật thực hiện bởi dân châu Mỹ bản địa và pháp sư châu Âu là sự vắng bóng của cây đũa phép.

Đũa phép có xuất xứ từ châu Âu. Đũa phép định hướng pháp thuật để tác động của nó có thể vừa chính xác hơn vừa mạnh mẽ hơn, cho dù dấu hiệu thường thấy ở những pháp sư và phù thủy vĩ đại nhất là họ đều có khả năng thực hiện pháp thuật không-đũa-phép với quyền năng tuyệt vời. Như các Hóa Thú Sư và người bào chế độc dược châu Mỹ bản địa đã chứng minh, pháp thuật không-đũa có thể đặt đến mức độ cực kỳ phức tạp, nhưng không có đũa thì khó mà thực hành Bùa chú hay Biến hình.

Phần 2
Thế kỷ 17 trở về sau

Khi dân No-Maj châu Âu bắt đầu di cư sang Tân Thế Giới cũng là lúc có thêm những phù thuỷ gốc châu Âu tới sinh sống tại Mỹ. Giống như những No-Maj đồng hương, họ có hàng tá lý do khác nhau để rời khỏi quê hương. Một số người ra đi vì máu phiêu lưu, nhưng phần lớn là để chạy trốn: khi vì sự đàn áp của No-Maj, khi thì tránh một gã hoặc ả phù thuỷ khác, mà cũng có thể là để thoát khỏi giới chính quyền phù thuỷ. Trong số đó, nhóm thứ ba thường tìm cách trà trộn vào dòng người No-Maj di cư, hay ẩn mình vào nhóm phù thuỷ châu Mỹ bản địa, những người nhìn chung đều muốn chào đón và bảo vệ những người anh em đến từ bên kia Đại Tây Dương.

Tuy vậy, lẽ tất nhiên cuộc sống ở Tân Thế Giới với những phù thuỷ nhập cư đầu tiên sẽ có phần khắc nghiệt hơn nhiều, bởi ba lý do chính sau đây.

Thứ nhất, cũng như những No-Maj đồng hương, họ đã tới sống ở một đất nước xa lạ thiếu thốn tiện nghi, ngoại trừ những món đồ có thể tự tạo ra được. Khi còn ở quê nhà, phù thuỷ chỉ cần tới một tiệm nguyên vật liệu trong vùng là tha hồ mua đủ các nguyên liệu cần thiết, trong khi tại đây, họ phải xoay sở giữa những loài cây cối pháp thuật lạ lẫm. Ở đây cũng chẳng có mấy cửa tiệm làm đũa lâu đời, và trường Pháp thuật và Ma thuật Ilvermorny lúc bấy giờ không hơn gì một căn lều tồi tàn gồm hai giáo viên và hai học trò, mặc dù sau này nơi đây cũng trở thành một trong những học viện pháp thuật vĩ đại nhất thế giới.

Thứ hai, cách hành xử thô bạo của đám No-Maj nhập cư tại đây vô tình khiến cho hình ảnh cộng đồng Muggle tại lục địa già trở nên dễ thương hơn hẳn. Những xung đột nảy sinh giữa người Mỹ bản xứ với dân nhập cư nói chung là điều khiến cho chính nội bộ giới phù thuỷ cũng trở nên lục đục. Không chỉ thế, tín ngưỡng của No-Maj nơi đây khiến họ thêm căm ghét bất cứ thứ gì dính dáng tới pháp thuật. Những tín đồ Thanh Giáo sẵn lòng chỉ điểm nhau vì tội hoạt động tà thuật dựa vào những bằng chứng nhảm nhí nhất, chẳng trách sao phù thuỷ ở Tân Thế Giới phải cảnh giác tối đa với đám No-Maj này.

Cuối cùng, và có lẽ cũng là hiểm hoạ đáng gờm nhất mà những phù thuỷ mới đặt chân tới Bắc Mỹ phải đối mặt, là đám Scourers (tạm dịch: Thanh Trừng Sư — Đám người có pháp thuật nhưng đi săn phù thủy để kiếm lời). Do cộng đồng phù thuỷ ở Mỹ vốn nhỏ bé, lại sống rải rác và bí ẩn, nên lúc này họ chưa có một cơ chế thực thi pháp luật nào của riêng mình. Điều này để lại một lỗ hổng lớn tạo cơ hội cho nhóm những kẻ đánh thuê có pháp thuật nhưng vô đạo đức, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, hình thành nên một thế lực tàn bạo, sẵn sàng săn lùng và trừ khử không chỉ tội phạm mà còn bất kỳ ai đáng tiền. Qua thời gian, bọn Thanh Trừng Sư ngày càng thối nát. Không phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ Chính phủ pháp thuật bản địa, nhiều kẻ trong bọn chúng phát cuồng vì tham vọng quyền lực và sự tàn ác vượt xa khỏi những lý lẽ ngụy biện cho sứ mệnh ban đầu. Lũ Thanh Trừng Sư thích thú với việc tàn sát và tra tấn, và thậm chí còn tệ đến mức buôn bán những phù thuỷ đồng loại của mình. Số lượng Thanh Trừng Sư tăng theo cấp số nhân khắp nước Mỹ vào cuối thế kỷ 17, và nhiều bằng chứng cho thấy chúng đã chẳng ngần ngại bắt cả những No-Maj vô tội rồi gắn mác phù thuỷ, giao nộp cho những người cả tin để nhận thưởng hậu hĩnh.

Các Phiên toà xét xử phù thuỷ Salem đình đám vào năm 1692-93 đúng là một tấn bi kịch lịch sử của cộng đồng pháp thuật. Các nhà sử học phù thuỷ đều công nhận rằng trong đám gọi là Thẩm phán Thanh Giáo có ít nhất hai Thanh Trừng Sư đã lộ danh, và những kẻ này đã tranh thủ thanh toán luôn những mối hận hình thành từ lúc chúng tới Mỹ. Một vài trong số những người bị hành quyết đúng là phù thuỷ, dù họ hoàn toàn vô tội đối với những tội danh bị cáo buộc. Còn lại toàn là những No-Maj xấu số bị liên luỵ trong sự cuồng sát khát máu.

Vụ án Salem đi vào lịch sử không chỉ vì số thương vong mà còn bởi những lý do sâu sắc hơn nhiều. Hậu quả tức khắc của việc này là rất nhiều phù thuỷ đã tháo chạy khỏi Bắc Mỹ, và số người đổi ý di cư tới đó còn lớn hơn nữa. Điều này lại tạo ra những khác biệt kỳ thú trong cộng đồng pháp thuật Bắc Mỹ so với châu Âu, châu Á, hay châu Phi. Cho tới vài thập niên đầu của thế kỷ 18, số phù thuỷ ở Mỹ trên tổng dân số ít hơn bốn châu lục còn lại. Những gia đình phù thuỷ thuần chủng, những người quá rành thông tin về tín đồ Thanh Giáo cũng như Thanh Trừng Sư qua các phương tiện truyền thông phù thuỷ, chẳng mấy ai di cư đến Mỹ nữa. Như vậy có nghĩa là tỷ lệ phù thuỷ gốc No-Maj ở Tân Thế Giới cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác. Mặc dù những phù thuỷ này thường kết hôn với phù thuỷ khác và tạo ra những gia đình toàn-phù-thuỷ, hệ tư tưởng về phù thuỷ thuần chủng bén rễ sâu trong lịch sử pháp thuật châu Âu lại chẳng còn mấy ý nghĩa ở Mỹ.

Có lẽ hệ quả quan trọng nhất của vụ án Salem là việc Quốc hội Pháp thuật Hoa Kỳ (Magical Congress of the United States of America) được thành lập vào năm 1693, gần một thế kỷ trước khi dân No-Maj lập ra một cơ quan tương tự. Được tất cả phù thuỷ tại Mỹ gọi tắt là MACUSA (thường phát âm là /Mah-cooz-ah/), đó là lần đầu tiên toàn bộ cộng đồng phù thuỷ Bắc Mỹ họp lại cùng nhau để lập pháp cho chính mình, tạo ra một thế-giới-pháp-thuật-trong-lòng-thế-giới-No-Maj. Nhiệm vụ đầu tiên của MACUSA là đưa ra xét xử những Thanh Trừng Sư đã phản bội đồng loại của mình. Những kẻ bị buộc tội sát nhân, buôn bán phù thuỷ, tra tấn, và tất cả các tội ác khác đều bị thi hành những bản án tương ứng với tội trạng của chúng.

Một vài trong số những Thanh Trừng Sư khét tiếng nhất đã chạy thoát khỏi công lý. Bị truy nã trên toàn thế giới, chúng phải lẩn trốn vĩnh viễn trong cộng đồng phi pháp thuật. Có những kẻ đã kết hôn với dân No-Maj và hình thành nên những gia tộc nơi những đứa trẻ có pháp thuật bị đám con cháu phi pháp thuật áp chế, nhằm che giấu thân phận của tên Thanh Trừng Sư ấy. Những tên Thanh Trừng Sư lòng chất đầy thù hận, bị chính cộng đồng bài trừ, đã truyền lại cho con cháu một niềm tin tuyệt đối rằng pháp thuật là có thật, và gieo rắc vào đầu chúng rằng phù thuỷ phải bị tiêu diệt ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện.

Sử gia phù thuỷ người Mỹ Theophilus Abbot đã tìm ra một vài dòng họ như vậy, cũng vẫn bảo toàn niềm tin sâu sắc vào sự tồn tại, cũng như niềm căm phẫn mãnh liệt với pháp thuật. Có lẽ một phần chính vì quan điểm và hành động chống-pháp-thuật cực đoan của hậu duệ những Thanh Trừng Sư kia mà No-Maj Bắc Mỹ khó bị lường gạt về những vấn đề liên quan tới chủ đề pháp thuật hơn người dân ở những nơi khác. Điều này tạo nên những ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đối với cơ chế quản lý của cộng đồng phù thuỷ Mỹ.

Phần 3
Đạo luật phù thuỷ Rappaport

Vào năm 1790, vị Chủ tịch thứ mười lăm của MACUSA (Quốc hội Pháp thuật Hoa Kỳ), bà Emily Rappaport, đã ban hành một đạo luật chia rẽ hoàn toàn cộng đồng pháp thuật và No-Maj. Điều này xuất phát từ một trong những vụ vi phạm Đạo luật Quốc tế về Bí mật Pháp thuật nghiêm trọng nhất, dẫn đến việc MACUSA bị chỉ trích một cách ô nhục bởi Liên đoàn Pháp sư Quốc tế. Chuyện trở nên nghiêm trọng đến mức đó là do vụ vi phạm xuất phát từ chính nội bộ MACUSA.

Nói ngắn gọn, tai họa có liên quan đến con gái của viên Thủ quỹ Kho bạc và đồng Dragot, được Chủ tịch Rappaport tín nhiệm (Dragot là đơn vị tiền tệ pháp thuật Mỹ và Thủ quỹ Dragot, như chức danh đã chỉ rõ, tương đương với Bộ trưởng Ngân khố Mỹ). Aristotle Twelvetrees là một con người tài ba, trong khi con gái ông, Dorcus, xinh đẹp bao nhiêu lại dốt nát bấy nhiêu. Cô từng học hành lẹt đẹt khi theo học trường Ilvermorny và vào thời điểm mà cha cô đang thăng quan tiến chức thì cô ăn vạ ở nhà, hiếm khi thực hành phép thuật mà chỉ chú ý đến quần áo, tóc tai và tiệc tùng.

Một ngày kia, tại một buổi dã ngoại ở địa phương, Dorcus Twelvetrees đã mê đắm một tên No-Maj điển trai tên là Bartholomew Barebone. Dorcus không hề hay biết Bartholomew là hậu duệ của một Thanh Trừng Sư. Dù trong gia đình không ai có quyền pháp, hắn vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của pháp thuật, cũng như thành kiến cực đoan về sự tàn ác cần tiêu diệt của phù thủy nói chung.

Hoàn toàn quên đi mối nguy hiểm, Dorcus không mảy may nghi ngờ khi anh chàng Bartholomew lịch lãm tỏ ra hứng thú đối với các “chiêu trò vặt vãnh” của cô nàng. Bị dắt mũi bởi những câu hỏi ngây ngô của gã trai, cô tiết lộ địa chỉ bí mật của cả MACUSA và Ilvermorny, kèm theo thông tin về Hội đồng Pháp sư Quốc tế và tất cả những cách mà các cơ quan này đã vạch ra để bảo vệ và che giấu cộng đồng pháp thuật.

Khi đã thu thập tất cả thông tin có thể có từ Dorcus, Bartholomew cướp đi cây đũa phép mà cô ta đã sốt sắng khoe hắn, trình cho một tay ký giả nào đấy mà hắn gặp, sau đó cùng tập hợp các bằng hữu có vũ trang và bắt đầu bắt bớ và, nếu được, giết chết tất cả các phù thủy và pháp sư trong vùng lân cận. Tiếp đến Bartholomew còn in tờ rơi cung cấp những địa chỉ nơi các phù thủy và pháp sư tụ họp và gửi thư đến những No-Maj danh tiếng, vài người trong số đó thấy rằng cần phải điều tra xem có thật là có “những bữa tiệc bí ẩn quỷ quái” xảy ra tại những địa điểm được mô tả hay không.

Phấn khích với sứ mạng vạch trần pháp thuật tại châu Mỹ, Bartholomew Barebone đã tự hại mình khi hắn nổ súng bắn nhóm người mà hắn tin là nhóm các phù thủy của MACUSA, nhưng hóa ra đó chỉ là những No-Maj xui xẻo vô tình rời khỏi tòa nhà bị liệt vào diện tình nghi mà hắn đang theo dõi bấy lâu. Rất may là không một ai bị thiệt mạng, còn Bartholomew thì bị bắt giữ và cầm tù với tội danh trên mà không cần đến MACUSA phải nhúng tay vào. Việc này thật sự giải tỏa bớt một gánh nặng lớn cho MACUSA khi họ đang còn phải vật lộn giải quyết đống hậu quả từ những lần khinh suất của Dorcus.

Bartholomew trước đó đã phân phát đống tờ rơi khắp các nơi, và một vài tờ báo đã thực sự tin lời hắn đến mức những hình ảnh cây đũa phép của Dorcus đã được in lên các trang báo với chú thích nó “có thể tung ra cú đánh trời giáng” khi được vẩy. Sự chú ý đổ dồn vào tòa nhà MACUSA căng đến nỗi họ buộc phải di rời toà nhà khỏi địa bàn lúc ban đầu. Khi Chủ tịch Rappaport bị buộc phải lên tiếng với Liên đoàn Pháp sư Quốc tế trong cuộc thẩm vấn công khai, bà đã không thể nào dám chắc rằng bùa Lú đã được ếm lên tất cả những ai từng tiếp cận thông tin của Dorcus hay chưa. Vụ rò rỉ thông tin này nghiêm trọng đến nỗi hậu quả của nó vẫn còn âm ỉ đến tận nhiều năm sau.

Mặc dù có rất nhiều người trong cộng đồng pháp thuật đã vận động chiến dịch cho Dorcus lãnh án chung thân hay thậm chí là án tử, cô cũng chỉ phải trải qua một năm tù. Bị ghét bỏ tột cùng và quá đỗi choáng váng, cô dần ẩn mình trong một cộng đồng phù thuỷ xa lạ và kết thúc đời mình trong sự ẩn dật, với những bạn đồng hành thân thương là một chiếc gương và một con vẹt.

Những sai phạm trên của Dorcus đã dẫn tới sự ra đời của Đạo luật Rappaport. Đạo luật Rappaport thi hành chính sách tách biệt triệt để giữa cộng động pháp thuật và cộng đồng No-Maj. Phù thủy đã không còn được phép kết bạn hay kết hôn No-Maj nữa. Những án phạt dành cho việc kết thân với No-Maj cực kỳ khốc liệt. Việc giao tiếp với No-Maj bị hạn chế xuống mức chỉ khi nào thật cần thiết cho mục đích sinh hoạt hằng ngày mà thôi.

Đạo luật Rappaport sau đó đã tạo nên sự khác biệt văn hóa chính giữa cộng đồng phù thủy ở châu Mỹ và châu Âu. Tại Cựu Thế Giới, thế nào cũng sẽ có một sự hợp tác và giao tiếp bí mật nhất định giữa một chính quyền No-Maj với chính quyền pháp thuật tương ứng với nó. Còn ở Bắc Mỹ, MACUSA hoạt động hoàn toàn độc lập với chính quyền No-Maj. Tại châu Âu, phù thủy và pháp sư kết hôn và làm bạn với No-Maj; trong khi No-Maj tại châu Mỹ ngày càng nhanh chóng bị xem như kẻ thù. Nói ngắn gọn lại là Đạo luật Rappaport đã đẩy cộng đồng pháp thuật châu Mỹ, vốn đã phải tự bảo vệ mình trước những No-Maj đa nghi, vào sự ẩn mình tuyệt đối.

Phần cuối
Xã hội phù thuỷ Mỹ những năm 1920

Giới phù thủy Mỹ đã đóng góp ít nhiều trong Thế Chiến thứ nhất (1914-1918), dù số đồng hương No-Maj đông đúc kia chẳng hề hay biết. Do phù thủy nhúng tay vào cả hai bên tham chiến nên hành động của phù thuỷ Mỹ không đóng vai trò quyết định, nhưng ít nhất họ đã góp công trong việc giảm thiểu tổn thất về nhân mạng, cũng như đánh bại kẻ thù trên mặt trận pháp thuật.

Những nỗ lực thường tình này cũng chẳng cải thiện được quan điểm hà khắc của MACUSA về mối quan hệ No-Maj/phù thủy, và theo đó Đạo luật Rappaport vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Đến những năm 20 của thế kỷ hai mươi, cộng đồng pháp thuật Hoa Kỳ đã quen với việc phải ẩn mình sinh sống trong sự bảo mật nghiêm ngặt hơn các phù thủy châu Âu, và việc chọn bạn đời cũng nhất định phải trong giới.

Thảm họa vi phạm Đạo luật Quốc tế về Bí mật Pháp thuật của Dorcus Twelvetrees đã đi vào cả ngôn ngữ pháp thuật, tới mức từ lóng “một mụ Dorcus” được dùng để chỉ một kẻ ngu ngốc hay đần độn. MACUSA tiếp tục đặt ra những hình phạt nghiêm khắc đối với những ai coi thường Đạo luật Quốc tế về Bí mật Pháp thuật. Đồng thời MACUSA cũng thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với các hiện tượng ma pháp như ma quỷ, yêu tinh, và sinh vật kỳ bí hơn các cơ quan đồng cấp châu Âu, chỉ vì e sợ nguy cơ những quái thú và linh hồn đó sẽ khiến No-Maj cảnh giác về sự tồn tại của pháp thuật.

Sau cuộc Tổng nổi dậy của Người Tuyết năm 1892 (chi tiết xin hãy xem trong cuốn sách đáng đọc của Ortiz O’Flaherty “Chiến lũy cuối cùng của Người Tuyết“), Tổng hành dinh của MACUSA lại di dời lần thứ năm trong lịch sử, chuyển từ Washington đến New York, và tọa lạc đấy suốt thập niên 1920. Chủ tịch MACUSA thời ấy là quý bà Seraphina Picquery, một phù thủy tài năng nổi tiếng đến từ vùng Savannah.

Cho đến năm 1920, Học viện Ma thuật và Pháp thuật Ilvermorny đã phát triển rực rỡ suốt hơn hai thế kỷ, được khắp nơi xem là một trong những cơ sở giáo dục pháp thuật tốt nhất thế giới. Nhờ vào chương trình dạy phổ thông của trường, tất cả phù thủy và pháp sư đều thành thạo cách dùng đũa phép.

Luật lệ ban hành vào cuối thế kỷ thứ mười chín quy định rằng mọi thành viên của cộng đồng pháp thuật Mỹ đều phải mang theo một “giấy phép sử dụng đũa”, một biện pháp nhằm kiểm soát mọi hoạt động pháp thuật và xác định danh tính những ai vi phạm. Không như Anh Quốc, nơi mà gia đình Ollivander thống lĩnh nghệ thuật chế tác đũa, lục địa Bắc Mỹ có đến bốn thợ làm đũa vĩ đại.

Shikoba Wolfe, hậu duệ bộ tộc Chocktaw, nổi tiếng chủ yếu nhờ những cây đũa phép được chạm khắc tinh xảo chứa lông đuôi Lôi điểu (Lôi điểu là một loài chim ma pháp tại Mỹ có họ hàng gần gũi với phượng hoàng). Đũa phép Wolfe nhìn chung có sức mạnh phi phàm, nhưng rất khó để sử dụng thuần thục. Chúng đặc biệt được đánh giá cao bởi những người Biến hình.

Johannes Jonker, một pháp sư gốc Muggle có người cha No-Maj là một thợ đóng tủ lành nghề, giúp ông cũng trở thành một thợ làm đũa khéo léo. Đũa phép của ông được săn lùng rộng rãi và dễ dàng nhận biết, do chúng thường được cẩn xà cừ. Sau khi thử nghiệm với nhiều loại lõi, chất liệu pháp thuật được Jonker ưa chuộng là lông thú Wampus.

Thiago Quintana gây nên một làn sóng xôn xao khắp thế giới pháp thuật khi xuất hiện trên thị trường với những đũa phép trơn bóng và thường rất dài, mỗi cây đũa bao bọc một khúc xương trong suốt của những con Quái vật sông Trắng vùng Arkansas, thi triển những bùa chú đầy quyền năng và tao nhã. Nỗi khiếp sợ về con quái càn quét cá của ngư dân được xoa dịu khi Quintana cho thấy mình đã nắm giữ được bí quyết thu phục nó. Bất chấp niềm tỵ hiềm của người đời, ông đã giữ kín bí quyết đến cuối đời, khi ông chết cũng là lúc đũa thần chứa xương Quái vật sông Trắng ngưng sản xuất mãi mãi.

Violetta Beauvais, thợ chế tạo đũa phép nổi tiếng của vùng New Orleans, cũng đã nhiều năm từ chối tiết lộ loại lõi đũa cho chiếc đũa từ gỗ cây sơn trà đầm lầy của bà. Cuối cùng người ta khám phá được rằng chúng chứa lông của loài rougarou, một loài quái thú đầu chó lởn vởn quanh vùng đầm lầy Louisiana. Người ta thường nói về đũa phép Beauvais rằng chúng gắn với ma thuật Hắc ám như ma cà rồng với máu, nhưng có những phù thủy anh hùng Mỹ ở những năm 1920 đã tham chiến chỉ với một cây đũa phép Beauvais trong tay, và chính Chủ tịch Picquery cũng được biết là sở hữu một cây.

Không như cộng đồng No-Maj trong những năm 1920, MACUSA cho phép các phù thủy và pháp sư được uống rượu bia. Nhiều người lên án chính sách này cho rằng điều đó khiến cho các phù thủy và pháp sư dễ bị phát hiện hơn trong một thành phố đầy những No-Maj tỉnh táo. Tuy nhiên, trong một lần bông đùa, Chủ tịch Picquery đã bảo rằng làm một phùy thủy ở Mỹ đã đủ khó khăn rồi. Quay sang nói chuyện với Tham mưu trưởng của mình, bả quả quyết: “Miễn đàm phán về bia rượu.”

Nguyên tác:
History of Magic in North America — By J.K. Rowling
Chuyển ngữ: Ban biên tập Hogwarts Việt Nam
Hiệu chỉnh tổng: Blien
Ảnh minh họa từ Pottermore