Quốc hội Pháp thuật Hoa Kỳ (MACUSA)

vào ngày

Nguồn gốc

Nghị viện Pháp thuật Hoa Kỳ, được đông đảo giới phù thuỷ Mỹ gọi tắt là MACUSA (thường được phát âm là Mah – cooz – ah), thành lập vào năm 1693, theo sau sự ra đời của Đạo luật Quốc tế về Bí mật Phù thuỷ. Khi đã bị dồn đến bên bờ vực thẳm, phù thuỷ toàn cầu tin rằng họ sẽ sống tự do và hạnh phúc hơn nếu tự thiết lập một xã hội ngầm với những cơ chế và cấu trúc của riêng mình. Động thái này càng rõ rệt hơn tại Mỹ do ảnh hưởng của vụ Phiên toà xét xử phù thuỷ Salem vừa diễn ra.

MACUSA lấy hình mẫu từ Hội đồng Phù thuỷ Anh Quốc, tiền thân của Bộ Pháp thuật. Đại biểu của các cộng đồng phù thuỷ khắp Bắc Mỹ đã được bầu chọn vào MACUSA để lập ra hệ thống pháp luật nhằm giữ trật tự và bảo vệ phù thuỷ Mỹ.

Sứ mệnh đầu tiên của MACUSA là giải phóng toàn lục địa khỏi lũ Thanh Trừng Sư, những phù thuỷ suy đồi đi săn lùng chính đồng loại của mình để kiếm lời. Thử thách kế tiếp của các nhà lập pháp MACUSA là lượng lớn những tên tội phạm đào thoát đến Mỹ từ Âu châu và các nơi khác vì sự lỏng lẻo trong việc thi hành pháp luật ở đây so với quê hương chúng.

Chủ tịch đầu tiên của MACUSA là Josiah Jackson, một pháp sư hiếu chiến đã được đồng nghiệp bầu chọn vì người ta cho rằng ông đủ cứng rắn để giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn của thời kỳ Hậu-Salem.

Trong thời kỳ sơ khai này, MACUSA không có trụ sở cố định. Các cuộc họp bàn đã phải tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau để tránh bị dân No-Maj phát hiện.

Cơ chế Hành pháp

Ưu tiên số một của Chủ tịch Jackson là tuyển mộ và đào tạo các Thần Sáng. Tên của mười hai tình nguyện viên đầu tiên được đào tạo trở thành Thần Sáng có một vị trí đặc biệt trong lịch sử cộng đồng pháp thuật tại Mỹ. Vào thời điểm đó số lượng Thần Sáng vô cùng ít ỏi trong khi các thử thách mà họ phải đối mặt vô cùng lớn, và những tình nguyện viên này biết rằng họ có thể sẽ phải đánh đổi sinh mạng của chính mình khi thực hiện các nhiệm vụ. Các hậu duệ của những Thần Sáng đầu tiên này về sau vẫn được nhận sự kính trọng nhất định tại Mỹ. Mười hai Thần Sáng đầu tiên là:

Wilhelm Fischer
Theodard Fontaine
Gondulphus Graves
Robert Grimsditch
Mary Jauncey
Carlos Lopez
Mungo MacDuff
Cormac O’Brien
Abraham Potter
Berthilde Roche
Helmut Weiss
Charity Wilkinson

Trong số mười hai người này, chỉ có hai người sống được đến già là Charity Wilkinson, về sau trở thành Chủ tịch thứ ba của MACUSA, và Theodard Fontaine, cố tổ trực hệ của Agilbert, Hiệu trưởng đương nhiệm Học viện Ma thuật và Pháp thuật Ilvermorny. Ngoài ra còn có Gondulphus Graves, người có gia đình luôn có vị thế quan trọng trong bộ máy chính trị của cộng đồng phù thủy, và Abraham Potter, người có họ hàng xa xôi với Harry Potter nổi tiếng mà sau đó vài thế kỷ đã được tìm ra bởi những nhà gia phả học.

Thách thức

Hoa Kỳ lúc này vẫn là một trong những môi trường sống khắc nghiệt nhất đối với cư dân phù thuỷ, chủ yếu vì con cháu đám Thanh Trừng Sư đã vĩnh viễn len lỏi vào cộng đồng người No-Maj với niềm tin bất diệt vào sự tồn tại của pháp thuật. Không giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, ở đây hoàn toàn không có sự hợp tác nào giữa chính phủ No-Maj với MACUSA.

Ban đầu, một toà lâu đài được phù phép ở vùng núi Appalachian đã được xây nên để làm tổng hành dinh của MACUSA. Nhưng qua thời gian, vị trí này đã trở nên xa xôi hẻo lánh tới mức bất tiện, bởi cũng giống như No-Maj, phù thủy ngày càng tập trung đông ở các khu vực thành thị.

Vào năm 1760, MACUSA di dời tổng hành dinh đến Williamsburg, Virginia, quê hương của vị Chủ tịch khoa trương Thornton Harkaway. Bên cạnh rất nhiều sở thích khác, Chủ tịch Harkaway được ghi nhận đã có công trong việc nhân giống loài Crup — một giống chó rất giống với Jack Russell, ngoại trừ cái đuôi chẻ đôi. Lòng trung thành của loài Crup đối với phù thuỷ chỉ thua mỗi sự hiếu chiến của chúng trước đám dân phi-pháp-thuật. Không may thay, đàn chó của Chủ tịch Harkaway đã tấn công vài người No-Maj địa phương, khiến họ trong suốt 48 giờ sau chỉ có thể sủa mà không nói. Việc vi phạm Đạo luật Bí mật này đã khiến Harkaway phải từ chức trong tủi hổ. (Có lẽ không phải là trùng hợp khi Williamsburg là thành phố đầu tiên ở Mỹ có một bệnh viện chuyên khoa về tâm thần. Việc phải chứng kiến những chuyện kỳ cục xung quanh ngôi nhà của Chủ tịch Harkaway hẳn đã dẫn đến việc nhiều No-Maj phải nhập viện, dù họ thực ra hoàn toàn tỉnh táo.)

MACUSA sau đó chuyển tới Baltimore, nơi Chủ tịch Able Fleming có tư dinh, nhưng Cách mạng Mỹ nổ ra sau đó dẫn tới việc thành lập Nghị viện của người No-Maj tại thành phố này đã khiến MACUSA lo sợ và họ phải dời tới Washington.

Washington cũng chính là nơi Chủ tịch Elizabeth McGilliguddy tổ chức cuộc tranh luận lịch sử ‘Đất nước hay Đồng loại?’ vào năm 1777. Hàng ngàn phù thuỷ và pháp sư từ khắp nước Mỹ đã đến tổng hành dinh MACUSA tham dự cuộc họp vĩ đại này, và Đại khán phòng đã phải khuếch trương bằng pháp thuật để đủ sức chứa. Vấn đề đưa ra tranh cãi là: Cộng đồng pháp thuật có bổn phận trung thành với đất nước mà họ sinh sống hay thế giới phù thuỷ toàn cầu? Các phù thuỷ Mỹ có phải gánh trách nhiệm đồng hành với những người No-Maj Mỹ trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập khỏi những Muggles Anh Quốc không? Hay, nói một cách đơn giản, đây không phải cuộc chiến của họ?

Những tranh luận ủng hộ và phản đối việc can thiệp chiến tranh kéo dài và trở nên khốc liệt. Những người ủng hộ cho rằng họ có thể cứu lấy nhiều mạng sống; trong khi phe phản đối giữ quan điểm phù thuỷ sẽ có nguy cơ lộ thân phận nếu tham chiến. Nhiều công điện đã được gửi tới Bộ Pháp thuật ở London để tham vấn xem họ có tham gia chiến tranh không. Tin nhắn được gửi lại chỉ vỏn vẹn bốn chữ: “Ngồi ngoài vụ này.” Câu phúc đáp nổi tiếng của bà McGilliguddy còn ngắn gọn hơn nữa: “Nhớ đấy.” Cuối cùng mặc dù chính thức thì phù thuỷ Mỹ đã không tham gia vào cuộc chiến, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy các phù thuỷ đã bảo vệ những người láng giềng No-Maj; và cộng đồng pháp thuật đã kỷ niệm Ngày Độc Lập như những người Mỹ khác — dù không nhất thiết là cùng với họ.

Một trong những điều luật phù thuỷ quan trọng nhất của Mỹ đã được lập ra vào năm 1790, khi MACUSA thông qua một sắc lệnh thi hành sự tách biệt hoàn toàn giữa cộng đồng phù thuỷ và No-Maj. Đạo luật Rappaport, đặt tên theo vị Chủ tịch lúc bấy giờ là bà Emily Rappaport, đã được thiết lập sau hậu quả của một trong những vụ vi phạm Điều ước Quốc tế về Bí mật Phù thuỷ nghiêm trọng nhất từng ghi nhận trong lịch sử, khi con gái của Thủ quỹ Ngân khố và đồng Dragots (tương đương Bộ trưởng Tài chính) trong nội các của bà Rappaport và một hậu duệ Thanh Trừng Sư đã suýt để lộ sự tồn tại của pháp thuật ra toàn thế giới. Từ khi Đạo luật Rappaport chính thức được thông qua, việc kết hôn hay thậm chí quan hệ bạn bè giữa phù thuỷ và No-Maj đã trở thành bất hợp pháp ở Mỹ. 

MACUSA vẫn đặt trụ sở tại Washington cho tới năm 1892, khi sự nổi loạn bất ngờ của người Sasquatch đã gây ra một vụ lộ bí mật khác. Các sử gia cho rằng trách nhiệm thuộc về Irene Kneedander, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Những Sinh vật Pháp thuật (giống-người), khi chức danh gây tranh cãi của bà động chạm tới bất cứ Sasquatch nào ‘vượt qua ranh giới’. Sự đổ bộ của người Sasquatch tới Washington đã dẫn tới một cuộc Xoá-ký-ức diện rộng và việc buộc phải sửa chữa toàn bộ Tổng hành dinh. 

MACUSA cần một trụ sở mới, và trong suốt vài năm, phù thuỷ đã thâm nhập vào đội xây dựng của một toà nhà mới ở New York. Cho tới khi toà Woolworth hoàn thành, nó có thể vừa dành cho No-Maj và — nếu được kích hoạt bằng một câu thần chú chuẩn — biến thành một nơi cư trú phù thuỷ. Dấu hiệu ngoại thất duy nhất ở vị trí bí mật mới của MACUSA là hình con cú chạm khắc ở lối vào.

MACUSA trong thập niên 1920

Như phần lớn những cơ quan quản lý pháp thuật khác, Sở Thi hành Các đạo luật Pháp thuật là bộ phận lớn nhất trong MACUSA.

Đạo luật Rappaport vẫn có hiệu lực trong thập niên 20 và một số phòng ban của MACUSA không có các đơn vị đồng cấp trong Bộ Pháp thuật (Anh); ví dụ, một văn phòng chuyên xử lý các hành vi tiếp xúc thân cận với No-Maj và một văn phòng cấp phép và thẩm định giấy phép sử dụng đũa, loại giấy tờ yêu cầu cả các công dân trong nước và ngoại quốc đều phải mang theo nếu sử dụng đũa ở Mỹ.

Một khác biệt lớn giữa thế giới pháp thuật ở Mỹ và Anh tại thời điểm này là hình phạt dành cho các loại trọng tội. Trong khi các phù thủy và pháp sư ở Anh bị đày tới Azkaban thì hình phạt cao nhất tại Mỹ là tử hình.

Trong thập niên 20, Chủ tịch của MACUSA là Seraphina Picquery, tới từ vùng Savannah, còn Giám đốc Sở Thi hành Các đạo luật Pháp thuật lúc đó là Percival Graves, một hậu duệ vô cùng được kính trọng của một trong mười hai vị Thần Sáng đầu tiên của Mỹ.
__________________

P/s: Để hiểu thêm về vụ Salem, Thanh Trừng Sư, Đạo luật Rappaport, cũng như lịch sử pháp thuật Mỹ nói chung, mời các bạn đọc thêm về Lịch sử Pháp thuật Bắc Mỹ và câu chuyện Thành lập Học viện Ilvermorny do chính J.K. Rowling chắp bút đã được Việt hoá bởi Hogwarts Việt Nam.

Nguyên tác:
The Magical Congress of the United States of America (MACUSA) — By J.K. Rowling
Chuyển ngữ: LL và Lohmbin