Tại sao Fleur bị gọi là Nhớt?

vào ngày

Theo mình biết, nhiều Potterhead Việt Nam khi đọc bản dịch hiểu cái tên Nhớt đặt cho Fleur là do cô có vẻ điệu đà, nhõng nhẽo, chảy nhớt. Nhưng thực ra không hẳn là vậy.

Trong bản gốc tiếng Anh, Ginny gọi Fleur là Phlegm, và việc này có hai lý do. Thứ nhất, Fleur và Phlegm phát âm cũng hơi giống nhau, vì thế cách gọi chệch đi này cũng có chút liên quan chứ không phải quá xa như Fleur và Nhớt. Thứ hai, “phlegm” có nghĩa là “đờm” trong cổ họng, và vì thế cách gọi này mỉa mai giọng Pháp của Fleur khi tiếng Pháp có kiểu phát âm âm “r” từ trong cuống họng (thành âm /kh/). Tương tự như nhiều người bạn mình thường đùa gọi tiếng Pháp và tiếng Đức là tiếng “khạc nhổ” vậy. Trong truyện, vài lần Fleur được miêu tả là nói bằng giọng “throaty” mà thỉnh thoảng cô Lý Lan đã dịch là giọng “cổ họng”, chính là muốn nói tới lối phát âm chữ “r” này của người Pháp, và cũng là nguyên do Ginny gọi cô là Phlegm.

Cũng xin nhắc tới lý do mà ban đầu bà Molly, Ginny và Hermione tỏ ra không thích Fleur rất rõ ràng. Nhìn chung, khi Fleur xuất hiện ở tập Chiếc Cốc Lửa, ấn tượng về cô nàng đã là một tiểu thư kiêu kỳ, chảnh mèo, hay chê bai. Cô vài lần buông lời chê bai trường Hogwarts trong tập này đã khiến Hermione khó chịu, chưa kể thêm lý do rất cá nhân về phía Hermione mà-ai-cũng-biết-là-tại-sao-đó. Tới tập Hoàng Tử Lai, cô tới nhà Weasley vẫn với một sự trịch thượng, ra vẻ sang chảnh, nói năng hồn nhiên, ít suy nghĩ như vậy. Cô làm mếch lòng bà mẹ chồng cũng vì thói vô duyên (vô tư), thẳng thừng chê bai nhà bà. Vì nghĩ gì nói nấy nên cô cũng thường xuyên chỉ nói về mình mà không quan tâm mọi người xung quanh. Ginny ghét cô có lẽ cũng bởi quan điểm cho rằng cô đẹp nhưng hời hợt, thiếu muối, và có thể nói con gái tuổi teen thường có tâm lý không ưa những cô nàng đẹp nổi bật và hay ra vẻ chảnh mèo như thế.

Như vậy, cá nhân mình cho rằng cách dịch cái tên Nhớt (có vài trường đoạn còn “con mẹ Nhớt”) vô tình đã tạo ra một ấn tượng chưa được chính xác về Fleur, cũng như lý do vì sao nhà Weasley không thích cô, bởi trong bản gốc không chủ ý khắc hoạ Fleur quá điệu đà nhõng nhẽo mà chỉ hay nói cô kiêu kỳ một cách vô duyên.

Thực ra, việc khắc hoạ hình tượng Fleur như thế này khá giống với cách người Anh “stereotype” về phụ nữ Pháp. Như nhiều người vẫn biết, người Anh rất lịch sự, trừ phi đủ thân hoặc đủ “mean” để mỉa mai châm chọc thì với các mối quan hệ xã giao, họ chẳng bao giờ chê bai cái gì. Và vì thế người Anh không thích kiểu người Pháp buông thẳng những lời chê bai, và cũng thường cho rằng con gái Pháp tự cho mình là nhất nên mới hay chê như vậy. Người Anh cũng cho rằng phụ nữ Pháp coi trọng hình thức và hời hợt. Cách xây dựng Fleur như vậy vừa dễ khiến người Anh đồng cảm, vừa dễ gây tranh cãi khi người ta phê phán tác giả viết về các nhân vật ngoại quốc như một cách cổ suý thói “stereotype” (tương tự như với Cho Chang yếu ớt nhu mì, Parvati mê tín, Krum võ biền…). Dù sao, may mắn là sau đó cô Jo đã viết khá tốt về Fleur nên cuộc chiến này mới phần nào giảm nhiệt.

— LL