Bệnh tật và khuyết tật trong thế giới phù thủy

vào ngày

Chia sẻ của tác giả J.K. Rowling

Tôi cân nhắc về vấn đề bệnh tật cũng như khuyết tật ngay từ lúc bắt đầu khởi tạo thế giới Harry Potter. Liệu pháp sư có bị cảm lạnh không? Hay liệu họ có thể chữa được những căn bệnh nan y mà Muggle bó tay? Hay trong thế giới này có phù thủy tàn tật không? Thuốc men của phù thủy vẫn có hạn chế nào đó hay có thể chữa được bách bệnh?

Vài trong số những câu hỏi đó đã trở thành cốt yếu của câu chuyện, vì yếu tố chết chóc trải dài cả bảy tập sách Harry Potter. Khi đã quyết định rằng ma thuật không thể ngăn chặn cái chết (kể cả Viên đá Phục sinh cũng không hoàn toàn đem người từ cõi chết trở về), tôi phải đi đến quyết định căn bệnh nào có thể giết phù thủy; pháp sư có thể mắc các loại bệnh tật hay chịu đựng những thương tật gì, và cái nào chữa được cái nào không.

Tôi nghĩ như này, nói một cách tổng thể, phù thủy và pháp sư có năng lực chỉnh đốn hoặc sai khiến những thứ có bản chất “phàm tục”, nhưng không làm gì được những thứ bản chất thuộc về “ma thuật”. Tức là, một tay phù thủy thì vẫn có thể mắc bất kỳ thứ bệnh gì như Muggle thôi, nhưng anh ta có thể tự chữa được tất; tay ấy cũng rất vô tư nếu bị bọ cạp cắn (Muggle bị cắn phát là đi luôn), tuy nhiên, nếu bị cây Râu Độc táp phải thì cuộc đời anh cũng xong từ đó. Tương tự, bị gãy xương bởi mấy trò nghịch dại vật lý phi pháp thuật như choảng nhau hay té lộn nhào thì đều chữa được bằng pháp thuật, nhưng nếu đó là hậu quả của mấy lời nguyền hay bị phản đòn thì ắt sẽ nghiêm trọng đấy, có khi để lại di chứng cả đời. Đây cũng chính là lý do khi ông thầy Gilderoy Lockhart của chúng ta bị chính Bùa Mất Trí của mình dội trúng, ổng đã mất trí nhớ vĩnh viễn; vợ chồng nhà Longbottom phải chịu thương tật cả đời sau khi bị tra tấn bằng lời nguyền; thầy Moody Mắt-Điên phải lắp một chân gỗ và một con mắt phép thay cho ‘hàng thật’ đã bị hủy hoại trong trận chiến, hay như việc mẹ của Luna Lovegood, bà Pandora, qua đời khi thử nghiệm sai một câu thần chú; cả việc Bill Weasley phải mang những vết sẹo không-bao-giờ-liền sau cuộc va chạm với Fenrir Greyback.

Đấy, tuy rõ ràng là các phù thủy có lợi thế vượt trội so với người thường khi bị cảm cúm hay chấn thương các thứ, họ lại phải chịu đựng những vấn đề mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp phải. Không chỉ bởi vì thế giới Muggle hoàn toàn không có những thứ kì quái như Tấm Lưới Sa Tăng và Quái Tôm Đuôi Nổ, mà hơn thế, Đạo luật Bảo mật còn được ban hành để không một Muggle nào có thể tiếp xúc với những người mang nguy cơ lây truyền bệnh Đậu Rồng (như tên gọi cho thấy, ban đầu bệnh này xuất phát từ những phù thuỷ phải làm việc với đám rồng Nanh Độc Peru), hay Trái Rạ Phù Thuỷ.

Nghiệp chướng mà thầy Remus Lupin gặp phải là một ví dụ điển hình cho những trường hợp lây nhiễm qua đường máu tương tự như HIV, đi kèm với nó là sự kỳ thị từ cộng đồng. Dược liệu Snape pha chế cho thầy cũng như một liều thuốc kháng sinh, giúp thầy kìm hãm sự phát bệnh “toàn diện” (như virus lây lan toàn bộ). Cảm giác “lạc loài” khi phải chịu sự quản thúc dành cho những bệnh nhân mạn tính cũng hình thành nên phần tính cách chủ yếu trong con người thầy Lupin. Và cùng lúc ta thấy thầy Moody Mắt-Điên quả là Thần Sáng mạnh mẽ nhất, khi đã sống một cách rất có ích cho đời với chừng ấy thương tật.

Bài gốc: Illness and Disability — By J.K. Rowling
Chuyển ngữ: Blien